Công đồng Công đồng Constantinopolis I

Công đồng đại kết Constantinople (381) trích trong Bài giảng của Grégory de Nazianzus (BNF MS grec 510), folio 355.

Triệu tập và chủ tọa

Năm 381, hoàng đế Theodosius I triệu tập công đồng Constantinopoli.

Công đồng gồm 150 Giám mục công giáo Đông phương và 36 Giám mục phe Macedonius. Trong những phiên họp đầu tiên, thấy con số của mình quá ít, các Giám mục phe Macedonius đã rút lui[4].

Công đồng đặt dưới quyền chủ tọa của ba vị liên tiếp: Giám mục Melecius thành Antiokia, Gregori Nazianzen Giám mục thành Constantinopoli, Giám mục Nectar. Không có đại diện nào của Giáo hoàng Đamasô I đến dự.

Nội dung

Công đồng nhìn nhận giáo thuyết Nicea, và thêm vào bản Tuyên xưng đức tin của Nicea về Chúa Giêsu như sau: "Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm Người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi, chịu khổ hình và mai táng thời Phongxiô Philatô".

Về Chúa Thánh Thần, công đồng thêm câu: "Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, và là Đấng ban sự sống, Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Người đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy".

Về tổ chức giáo hội, công đồng quy định[5]:

  1. Các Giám mục "khu vực" không can thiệp vào những giáo hội không thuộc quyền mình, cũng không được gây bất ổn cho giáo hội đó, nhưng cứ theo luật, Giám mục Alexandria chỉ điều hành công việc ở Aicập, các Giám mục Đông phương thì chỉ điều hành công việc ở Đông phương; vẫn giữ những đặc quyền dành cho giáo hội Antiokia theo các điều khoản của công đồng Nicea; các Giám mục ở Tiểu Á chỉ điều hành công việc ở Pont, các vị ở Thrace thì lo việc của Thrace...
  2. Giám mục Constantinople có quyền danh dự kế sau Giám mục Roma, vì thành phố này là Roma mới.

Công Đồng Constantinople cũng lên án lạc giáo của Apollinaire: "Chúng tôi không đồng ý với chủ trương Ngôi Lời đảm nhận một thân xác không có linh hồn, không có trí tuệ, vì biết chắc rằng Ngôi Lời Thiên Chúa trọn hảo từ muôn thuở, đã trở thành con người cách trọn vẹn vào thời sau cùng để cứu độ chúng ta" (Lá thư các Giám mục họp tại Constantinople gởi Giáo hoàng Đamasô I năm 382).